Hình: thanhnien.vn
Người viết: Nguyễn Bá Thành
Tóm tắt từ nhiều tài liệu trên net.
1. Tầm quan trọng của vấn đề
Trong quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay, vấn đề hội nhập quốc tế có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mặc dù những năm qua đã có nhiều cố gắng đổi mới, cải cách nội dung giáo dục ở các cấp học theo hướng tiến bộ hơn, song nhìn chung so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, nền giáo dục đại học của nước ta vẫn còn lạc hậu.Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đòi hỏi Việt Nam phải tuân theo những chuẩn đánh giá chung của quốc tế, những tiêu chí mới đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi toàn bộ từ hình thức quản lý, chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy.
Ngày nay là thế giới thông tin mở, những quan điểm dạy học cũng phải thay đổi theo.
Việt Nam càng ngày có nhiều những chương trình hợp tác với giáo dục nước ngoài. Và điều đặc biệt là sự cạnh tranh lao động – sản phẩm đầu ra của trường đại học không chỉ đơn thuần trong nước, mà là sự cạnh tranh lao động khu vực ASEAN, quốc tế.
Do đó, tất yếu chúng ta phải xây dựng chiến lược hội nhập, nâng cao năng lực hợp tác và cạnh tranh của giáo dục đại học Việt Nam.
2. Các giải pháp hội nhập quốc tế
Chất lượng giáo dục đại học tùy thuộc vào những yếu tố, thứ tự theo tình trạng thực tế yếu kém nổi trội và trong tầm tay khả thi mà chúng ta cần phải ưu tiên giải quyết như sau:2. 1 Quản trị đại học
Giáo dục đại học Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế giáo dục toàn cầu nên cần phải thay đổi hình thức quản lý bao cấp sang hình thức mới, phù hợp với các chuẩn mực tiến tiến, nhân văn. Các trường đại học phải được tự chủ hoàn toàn về tài chính, chương trình, tuyển sinh và nhân sự. Tự chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của nhà trường và chịu sự cạnh tranh với các đại học trong và ngoài nước.
2.2 Phương pháp dạy học và phương tiện dạy học:
Dạy học cần thực hiện theo phương pháp tích cực, giúp sinh viên nhanh chóng lãnh hội những kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo tốt và hình thành thái độ, ý thức nghề nghiệp. Phương tiện dạy học cần nhanh chóng thay đổi, đáp ứng nhu cầu người học trong môi trường công nghệ thông tin và xã hội thông tin.
Nhằm mục tiêu “nhấn mạnh đến kỹ năng xử lý vấn đề đặt ra trong cuộc sống hơn là tập trung vào việc làm đầy kiến thức đã có sẵn”, việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của các trường đại học trên thế giới thường rất linh hoạt, dựa trên tinh thần đề cao vai trò của người học, tạo điều kiện tối đa cho người học có thể tự học, tự nghiên cứu.
Hiện nay các trường đại học Việt Nam có khoảng không gian nhỏ, cần mở rộng diện tích, và mua sắm các thiết bị, trang bị phòng thí nghiệm hiện đại, tiên tiến đáp ứng nhu cầu nghiên cứu học tập của sinh viên, giảng viên.
- Xây dựng thư viện hiện đại, điện tử, truy cập Internet, có cả phòng học nhóm và phòng multimedia.
- Mỗi phòng học đều được trang bị phương tiện giảng dạy hiện đại như máy overhead, máy computer projector…
2.3 Người thầy
Cần tuyển chọn đội ngũ giảng viên ưu tú, có khả năng nghiên cứu độc lập, có khả năng hợp tác nghiên cứu với nước ngoài. Cần nhanh chóng có chương trình trao đổi giảng viên với các trường quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức.
Đặc biệt, giảng viên phải sống được với chính nghề mình, không phải vừa đi dạy vừa làm thêm ngoài, thu nhập phải đảm bảo bậc trung lưu trở lên. Chính vậy mới khuyến khích những người giỏi ở lại trường để công việc.
- Cần phải làm một cuộc đổi mới tư duy triệt để trong giáo dục đặc biệt trong chiến lược xây dựng đội ngũ người thầy ở đại học, cần có những người có học vị tiến sĩ bước đầu biết nghiên cứu, sáng tạo và phát huy tối đa mặt mạnh nghiên cứu của họ để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
- Cấp bách có biện pháp tức thời đi tiên phong trong cải tiến tiền lương, bằng cách tăng thu nhập, tận dụng hết từ quỹ học phí. Vì khi ta đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, sản xuất nguồn nhân lực, vốn quý để phát triển đất nước, thì chính sách bổng lộc cũng phải ưu tiên hàng đầu cho giảng viên. Thu được bao nhiêu từ nguồn học phí, lệ phí hay tiền hỗ trợ nghiên cứu, do công sức giảng dạy và nghiên cứu mà có thì trả lại hết cho các giảng viên, để học dốc lòng giảng dạy và nghiên cứu. Trường nào chưa lấy thu bù chi cho đời sống của giảng viên thì nhà nước sẽ trợ cấp trong một thời gian. Nếu muốn tồn tại thì quỹ điều hành của trường phải do mỗi trường tự lo. Đây là loại quỹ ất đặc biệt, được gọi là “tiền dưỡng giáo phát triển đất nước”.
Nhà nước nên rộng rãi cho các trường quyền ấn định học phí, tương ứng với khoản chi của trường. Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ học bổng và quỹ vay cho sinh viên nghèo một cách có hiệu quả.
- Nhanh chóng triển khai kế hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên, mỗi trường ít nhất 40% tiến sĩ, 45% thạc sĩ, 15% cử nhân. Phải để cho mỗi trường hay đúng ra mỗi khoa chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên của từng khoa hay của trường đó.
- Có kế hoạch cho đi du học hoặc du học tại chỗ đào tạo giảng viên đại học.
- Mỗi trường học có kế hoạch trao đổi giảng viên ở trong và ngoài nước.
- Mỗi trường với sự hỗ trợ của nhà nước mời các chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy đến hợp tác, tập huấn của công tác đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu.
2.4 Sinh viên
Người học phải thấy rõ trách nhiệm học để khởi nghiệp, để thực hành trong điều kiện mới. Xã hội thông tin, và sinh viên có nhiều cơ hội để học. Khuyến khích các chương trình du học, du học tại chỗ. Mở các khóa học cho sinh viên nước ngoài học tại Việt Nam.
- Cần vận động thay đổi đến gốc rể để xây dựng quan điểm, định hướng, mục tiêu giáo dục mang tính thực tiễn và hiệu quả cao, một nỗ lực dạy học và làm theo định hướng, mục tiêu giáo dục toàn diện, đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện các kỹ năng quan trọng của thời đại kiến thức, thông tin bùng nổ như nêu và giải quyết vấn đề, cách làm việc với tập thể, cách ứng xử, cách giao tiếp và phẩm chất lao động, tinh thần trách nhiệm, nhân cách… chuẩn bị vào đời.
- Thay đổi hoàn toàn cách đánh giá theo quá trình công tác và học tập chứ không phải chỉ kết quả và không chỉ bằng điểm số, có những nhận xét của từng giảng viên đối với từng sinh viên cụ thể! Môn nào sẽ phụ trách từ a đến z kể cả coi thi và chấm điểm.
- Cải tổ chế độ thi cử, kiểm tra, bãi bỏ bớt, giảm nhẹ các kỳ thi tập trung nhất là không tổ chức tuyển sinh đại học theo ba chung. Cục khảo thí chỉ nên lo thi cử ở phổ thông. Chất lượng đào tạo kể cả đầu ra đều giao cho từng trường đại học đảm nhiệm.
- Chống luyện thi, không xuê xoa, trị tận gốc quốc nạn quay cóp, thiếu trung thực trong dạy và học, phổ biến rộng rãi, kỹ lưỡng nhắc nhở răn đe. Loại bỏ ngay tức khắc, thông báo khắp nơi về những người vi phạm, gian dối.
- Giảm bớt các cuộc thi đấu, luyện thi đấu có tính cách “gà chọi”, kiểu trường chuyên, lớp chọn!
- Đổi mới triệt để phương pháp dạy học ở đại học cũng như ở phổ thông.
- Lấy thực chất, thực học, thực tài làm tiêu chí hàng đầu và tránh điều tối kỵ đối trá, thiếu trung thực, thủ đoạn trong môi trường giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục thật lành mạnh, thật khoa học, thật chuyên môn… Loại trừ triệt để những nhân sự thiếu phẩm chất giáo dục, thiếu trung thực. Dùng mọi biện pháp để chống lại bệnh hình thức, cung cách đối phó!
- Phân hóa và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các trường đại học. Dùng chính sách quản lý nhà nước cho phép các trường đại học tự quản cao, chủ động năng cao chất lượng đào tạo.
- Xây dựng bộ phận tư vấn học tập, tư vấn tâm lý (guidance, counselling) tại trường học đủ mọi cấp và cơ chế kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
2.5 Chương trình
Chương trình đào tạo cần phải thay đổi, có thể nhập chương trình nước ngoài, hoặc một phần chương trình nước ngoài về.
Giáo trình là một phần rất quan trọng để cho sinh viên học. Cần nhập các sách đầu ngành của các đại học uy tín thế giới cho sinh viên.
Về nội dung chương trình và giáo trình, cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng mở (cho phép cập nhật thường xuyên về kiến thức trong và ngoài nước, sử dụng giáo trình, học liệu trong nước hoặc ngoài nước một cách linh hoạt), nội dung giảng dạy phải gắn chặt và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của ngành nghề mà người học đang theo đuổi. Về phương pháp, cho phép sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học theo nguyên tắc “lấy người học là trung tâm”, giảm thiểu giờ giảng trên lớp để người học có thời gian tự học và tự nghiên cứu. Các cơ sở đào tạo cần thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá khách quan, chặt chẽ để bảo đảm tính hiệu quả của việc dạy và học.
- Chương trình hoạt động ngoại khóa cũng không kém phần quan trọng như chính khóa, ngoài học tập văn thể mỹ, còn có các hoạt động ngoại khóa khác như xê-mi-na, báo cáo chuyên đề, bài tập nghiên cứu khoa học, tham quan, trại tập huấn, thực tế bộ môn, học việc hè, ngày nghề nghiệp, tư vấn nghề nghiệp và việc làm…
- Đổi mới cách đánh giá, kiểm tra, đánh giá quá trình học tập và đánh giá kết quả học tập bằng nhiều phương pháp khác nhau từ trắc nghiệm khách quan đến luận đề, làm bài tập nghiên cứu… Tính điểm nên có điểm chấm kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ và những bài tập nhất là những bài tập nghiên cứu chuyên đề. Cách tính điểm được thông báo trong đề cương môn học ngay từ buổi học đầu tiên.
- Tổ chức thường xuyên hội thảo đổi mới phương pháp dạy học.
- Đẩy mạnh kế hoạch cho đi tu nghiệp hay đào tạo các chuyên gia về phương pháp dạy học hiện đại. Trước mắt mời các chuyên gia nước ngoài đến tập huấn hay bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học.
2.6 Cơ sở vật chất của trường
Cơ sở vật chất của trường Việt Nam còn rất nhiều hạn chế - phải giải quyết từng bước, còn lại đều nằm trong tầm tay, nếu chúng ta quyết tâm, nhất là thực hiện một cuộc cách mạng giáo dục thực sự, chúng ta có khả năng giải quyết.
Hãy nhìn thẳng vào thực trạng yếu kém của đại học Việt Nam, thực hiện những biện pháp trên từng bước khắc phục được những yếu kém của đại học, tức là đã làm một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật giáo dục, thực hiện chiến lược xây dựng sự trung thực, chân thật, nhân cách giáo dục, chiến lược chuyên môn hoá giáo dục, hiện đại hoá giáo dục đại học, xây dựng nền văn hoá giáo dục đại học hầu góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, tránh tụt hậu./.
No comments:
Post a Comment